Sunday, July 20, 2014

Đề: Viết văn bản nghị luận ngắn trình bày suy nghĩ của em về: Ý thức của tuổi trẻ Việt Nam về tình hình biển đảo.

Bài làm
Tình hình biển đảo hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp đến lãnh thổ dân tộc. Là thế hệ thanh thiếu niên, trụ cột của nước nhà mai sau, chúng ta cần phải kiên quyết ra sức bảo vệ chủ quyền của dân tôc. Tình hình biển đảo Việt Nam đang diễn ra rất căng thẳng ở hai hòn đảo Hoàng Sa và Trương Sa. Đặc biệt hiện nay Trung Quốc đã đặt giàn khoan và đưa những lực lượng quân sự đặt tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đó là một hành động xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo thuộc lãnh thổ của con người và đất nước Việt Nam, điều này đã được chứng minh bằng lịch sử và các tài liệu khoa học. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc lại có những hành động xâm phạm đến chủ quyền biển đảo Việt Nam: bắt bớ ngư dân, tau đánh cá của người Việt Nam khi họ đang khai thác trên lãnh hải Việt Nam. Trung Quốc đang khai thác trái phép nguồn tài nguyên, thủy hải sản trên hải phận Việt Nam, ngang nhiên xây dựng thành phố Tam Sa trên Hoàng Sa, ngày nay Trung Quốc còn ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép trên phần thuộc chủ quyền biển Việt Nam (3/2014). Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm chủ quyền đàm phán Việt Nam đối với các vùng biển Việt Nam; vi phạm thỏa thuận nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; vi phạm hiệp ước quốc tế được ký kết 1992 về chủ quyền biển đảo đối với các nước trên thế giới. Trong tình hình đó ý thức của thế hệ trẻ thanh thiếu niên Việt Nam phải xác định giữ gìn biển đảo – ý thức về lãnh thổ của Tổ Quốc. Nghiên cứu nhận thức một cách sâu sắc ý nghĩa chủ quyển biển đảo và giá trị to lớn của chủ quyền. Để có được chủ quyền biển đảo biết bao mồ hôi xương máu đã đổ xuống để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Chúng ta cần hưởng ứng thật tích cực, tham gia diễn đàn hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịch liệt lên án, phản đối, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Hãy chung tay góp sức giúp đỡ, động viên những người lính hải đảo đang làm nhiệm vụ thiêng liêng. Chúng ta cần phải biết tu dưỡng rèn luyện phẩm chất của con người Việt Nam mới, chuẩn bị tinh thần tham gia trực tiếp công việc đấu tranh giữ gìn chủ quyền Việt Nam.
            Tóm lại, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có chủ quyền về lãnh thổ riêng của mình, đó đồng thời cũng là niềm tự hào của mỗi con người đối với quê hương đất nước. Chính vì vậy họ sẵn sàng không tiếc máu xương để bảo vệ lãnh thổ của họ. Học sinh chúng ta là những mầm non tương lai của đất nước vì thế ta phải cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành những công dân có ích đi xây dựng đất nước.


Sunday, June 8, 2014

Đề: Viết văn bản nghị luận ngắn trình bày suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ: “Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”.

Bài làm
Con người là sản phẩm của xã hội và cũng là sản phẩm của chính nó. Do đó mỗi người phải tự có trách nhiệm với chính bản thân mình, bàn về thái độ tự chịu trách nhiệm với bản thân ngạn ngữ cũng có câu: “Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”
“Thói quen” là lối sống, cách sống biểu hiện qua hành vi bên ngoài được lặp đi lặp lại là “thói quen”. Ví dụ thói quen đọc sách, thói quen ngủ muộn, thói quen ỷ lại,… “Tính cách” là đặc điểm tâm lí ổn định biểu hiện qua hành vi và hành động bên ngoài, nội tâm bên trong con người. Chẳng hạn tính cách hèn nhát, tính cách gan dạ,… “Số phận” là hoạ - phúc; sướng - khổ; buồn – vui trong cuộc đời mỗi con người. “Gieo - gặt” là cách nói hình tượng dùng để chỉ nhân - quả. Một “thói quen” được biểu hiện một cách có ý thức là cơ sở dể tạo nên “tính cách”. “Tính cách” là biểu hiện ra bên ngoài bằng hành động, những hành động thường xuyên giống nhau sẽ tạo ra cuộc đời, số phận. Mặc dù số phận còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh. Câu ngạn ngữ đề cập đến hai vấn đề đó là mối quan hệ nhân quả giữa thói quen với tính cách, giữa tính cách với số phận con người.
Thật vậy một thói quen tốt sẽ góp phần định hình tính cách tốt. Thói quen tập thể dục tạo ra tính cách siêng năng, thói quen đọc sách sẽ tạo ra tính cách lịch lãm; thói quen giúp người tạo ra tính cách nhân hậu. Một tính cách tốt sẽ tạo ra số phận tốt; siêng năng học tập và làm việc sẽ có tương lai tốt đẹp. Tính cách nhân hậu hay giúp người thì được người giúp đỡ lại, sẽ có cuộc đời vui vẻ, tốt đẹp. Một thói quen xấu sẽ hình thành tính cách xấu. Thói quen ỷ lại sẽ tạo nên tính cách thụ động; thói quen ưa khoác lác sẽ tạo nên tính cách thiếu trung thực. Tính cách xấu sẽ nhận lại một số phận xấu, “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Hành động hại người sẽ bị báo ứng mai sau. Như vậy thói quen hình thành tính cách nhưng tính cách còn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác. Do đó, ta không thể phủ nhận hoặc khẳng định một cách tuyệt đối sự chi phối của thói quen với tính cách. Đồng thời, tính cách làm nên số phận nhưng không phải lúc nào cũng đúng.

Tóm lại câu ngạn ngữ là một bài học đúng đắn cho ý thức tự rèn luyện điều chỉnh nhân cách. Là học sinh, chúng ta phải có ý thức rèn luyện thói quen tốt, lối sống đẹp để góp phần tạo nên những tính cách đáng quí, đáng được trân trọng. Và cũng nhờ đó mà tạo được cuộc sống tốt đẹp. Chúng ta cũng cần phê phán thái độ sống buông xuôi thiếu trách nhiệm với bản thân của nhiều người.
Cô Phan Minh - Trường THCS Hai Bà Trưng

Friday, March 21, 2014

Đề: Nêu cảm nhận về đoạn thơ “Người đồng mình thương… Nghe con” trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương

Bài làm
             Từ xưa đến nay, tình cảm gia đình vẫn luôn là tình cảm thiêng liêng và cao cả biết bao. Nó như dòng sữa ấm áp nuôi nấng ta khôn lớn trưởng thành. Nếu như Chế Lan Viên đã mượn những khúc hát ru thắm đượm tình người để thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng cao quý trong bài thơ “con cò” thì Y Phương -  một nhà thơ dân tộc miền núi, lại tha thiết “nói với con” về tình cảm cha con thắm thiết, hay rộng hơn cả đó chính là tình cảm đối với quê hương dân tộc, với bản làng. Đặc biệt được thể hiện tiêu biểu qua đoạn thơ:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
 Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được nghe con
Nghe con.''
Cảm nhận được tình nghĩa sâu nặng của gia đình và quê hương là chiếc nôi, là cội nguồn sinh trưởng của mỗi con người, người cha “nói với con” về những đức tính cao đẹp của người đồng mình, cha mong con hãy luôn biết tự hào vè bản làng quê hương, về những người dân tộc Tày trọng tình, trọng nghĩa. “Người đồng mình” (người quê mình) giàu tình cảm, nhẫn nhục chịu đựng những khó khăn gian khổ nhưng tâm hồn luôn phóng khoáng ấp ủ ước mơ”
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”
Lời của người cha “nói với con” là  lời trao gửi tâm tình bằng tất cả tấm lòng và tình cảm của người cha. Giọng thơ nhẹ nhàng tha thiết, cách gọi thân mật “người đồng mình” thể hiện sự gắn bó thiêng liêng giữa mỗi con người với quê hương. Lời thơ gợi cảm, tự nhiên “ thương lắm con ơi”, người cha ca ngợi và mong con biết trân trọng, giữ gìn những đức tính tốt đẹp, những phẩm chất cao quý của dân tộc mình. Kết cấu câu thơ sóng đôi, cân đối, cách nói giản dị, mộc mạc “cao đo nỗi buồn”, là nỗi buồn của người dân tộc quanh năm giữa mây ngàn đá núi thường xuyên phải rời xa bản làng, bước chân của họ ngày càng trải dài trên đỉnh non cao. Qua đó ta thấy rằng người đồng mình sống vất vả, nghèo đói, cực nhọc, lam lũ. Họ nhẫn nhục chịu đựng nỗi buồn dai dẳng của mảnh đất quê hương. “Xa nuôi chí lớn”, người cha muốn nói với con dân tộc mình ai cũng có một ý chí, nghị lực ai cũng muốn bay cao bay xa trong tương lai. Lời thơ ngắn gọn, khẳng định niềm tự hào về phẩm chất, truyền thống của dân tộc. Với niềm tự hào về ý chí, nghị lực và truyền thống tốt đẹp của :người đồng mình”, cha mong con luôn sống nghĩa tình, thuỷ chung với quê hương:
“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói”
Điệp từ “sống” và điệp ngữ “không chê” thể hiện sự gắn bó nghĩa tình, chung thuỷ, sẵn sàng chấp nhận sẻ chia. Không gian gợi tả trên đá, trong thung nói lên những khó khăn vất vả của quê hương. Từ láy gợi hình “gập ghềnh” gợi nên cuộc sống bấp bênh không ổn định. Từ đó người cha mong con sống  nghĩa tình, thuỷ chung với quê hương dẫu quê hương còn nhiều khó khăn vất vả. Đồng thời người cha khuyên con phải có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống:
“Sống như sông như suối
 Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Hình ảnh so sánh cụ thể “sống như sông như suối”. Người cha khuyên con hãy sống cuộc đời rộng lớn, tự do, khoáng đạt, không thụ động chấp nhận thực tại mà luôn hướng tới tương lai không bao giờ cam chịu cuộc sống nhỏ bé tầm thường. Cách nói ẩn dụ “lên thác xuống ghềnh” kết hợp lời nói mộc mạc thường ngày “không lo cực nhọc”, cha khuyên con hãy sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách của cuộc đời, không được chùn bước, nản chí. Bởi cuộc đời không bao giờ yên ả như một mặt nước hồ thu nên con hãy ngẩng cao đầu dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách của cuộc đời. “Người đồng mình không chỉ giàu ý chí nghị lực mà còn giùa về đời sống tinh thần, tâm hồn phóng khoáng để xây dựng nên quê hương với những phẩm chất tốt đẹp:
"Người đồng mình thô sơ da thịt
 Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục."
Âm điệu thơ nhẹ nhàng, tha thiết như một lời tâm tình. Hai câu thơ đối nhau:
“Người đồng mình thô sơ da thịt                                                                                                               Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”
Hình ảnh cụ thể “thô sơ da thịt” cho ta thấy sự giản dị, mộc mạc của người đồng mình. Giọng thơ khẳng định “chẳng mấy ai nhỏ bé” thể hiện niềm tự hào về lẽ sống cao đẹp và tâm hồn phong phú của dân tộc. “Người đồng mình” không ai chịu tự bó mình trong cuộc đời nhỏ nhoi, tầm thường mà ngược lại ai cũng có ước mơ, hoài bão sống cuộc đời rộng lớn, ai cũng có khát vọng vươn lên. Cơ sở của sự khẳng định trên chính là truyền thống tốt đẹp của “người đồng mình”:
“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”
Cách nói bằng hình ảnh mộc mạc, cụ thể “tự đục đá” mà ý thơ sâu sắc, người dân tộc bao đời nay chắt chiu, gầy dựng từng mầm sống nhỏ nhoi quê nghèo nhưng tình người lại giàu có vô cùng. “Người đồng mình” cần cù, chịu thương chịu khó luôn sống gắn bó với quê hương, luôn có ý thức đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, ngày càng phát triển. “Còn quê hương thì làm phong tục” đã khẳng định rằng quê hương càng phát triển thì đem đến cho con người sự thay đổi lớn lao về đời sống vật chất và tinh thần. Với lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, người cha còn gửi đến con những lời nhắn nhủ tâm tình:
"Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường 
Không bao giờ nhỏ bé được 
Nghe con."
Nhịp thơ chẫm rãi tha thiết, điệp ngữ “thô sơ da thịt” được lặp lại một lần nữa nhưng khẳng định thêm về phẩm chất cao đẹp của “người đồng mình”. Lời thơ chắc gọn như một mệnh lệnh “lên đường” vừa thể hiện mong ước tha thiết của người cha đối với con: khi bắt đầu bước vào hành trình của cuộc đời mình con hãy sống đúng với phẩm chất của “người đồng mình”. Bởi vì “người đồng mình” có thể cực khổ, lam lũ nhưng luôn mạnh mẽ với chí lớn. Có thể “thô sơ”, mộc mạc với áo chàm nhưng không nhỏ bé về khí phách cho nên con không bao giờ được bằng lòng với cuộc sống bó hẹp, tầm thường phải biết trân trọng giữ gìn và phát huy truyền thống của quê hương, ngẩng cao đầu vượt qua chông gai, thử thách để tự tin khi bước vào đời. Kết thúc bài thơ chỉ có hai tiếng “nghe con”. Câu thơ chắc gọn như một mệnh lệnh: đừng chối bỏ cội nguồn dân tộc, hãy khắc sâu tình cảm quê hương vào trong trái tim mình, luôn tôn trọng và phát triển truyền thống dân tộc. Đó là tấm lòng của cha dành cho con hay nói đúng hơn là quê hương của mỗi chúng ta.
Tóm lại, âm điệu thơ tha thiết, ngôn ngữ thơ mộc mạc, hình ảnh thơ vừa cụ thể, vừa khái quát, đậm chất trữ tình. Đoạn thơ thể hiện niềm tin tưởng, hy vọng của người cha đối với bước đường tương lai của con. Đồng thời giúp ta cảm nhận được điều tốt đẹp, được tình cảm gắn bó thuỷ chung của dân tộc miền núi. Từ đó gợi trong mỗi chúng ta tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương xứ sở và ý chí vươn lên để tiến bộ, sống làm chủ cuộc đời, làm chủ bản thân.
Cô Phan Minh  - Trường THCS Hai Bà Trưng 

Thursday, March 13, 2014

Đề: Nêu cảm nhân về khổ thơ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.

Bài làm
            Một chút sắc lan toả khắp đất trời, một làn gió xuân đánh thức vạn vật, một khung cảnh xuân khơi gợi cảm xúc sáng tác của thi nhân. Và Thanh Hải trong những giây phút cuối đời đã vì vẻ đẹp của mùa xuân làm cho xúc động. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được tác giả sáng tác trong thời khắc đó, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời. Ở “Mùa xuân nho nhỏ” người đọc tìm thấy một tình yêu thiên nhiên, đất trời mãnh liệt luôn dâng trào trong trái tim tác giả.  Ngay khổ thơ đầu của bài đã toát lên được điều đó:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
            Mở đầu tác giả miêu tả cảnh thiên nhiên mùa xuân quê mình thật đẹp, thật nên thơ . Đây là bức tranh phong cảnh hữu tình được vẽ nên bằng cái thần của mùa xuân, bằng tâm hồn người nghệ sĩ với những nét chấm phá thật tuyệt vời. Nét chấm phá đầu tiên ấy là: “dòng sông xanh; hoa tím biếc”. Màu sắc thật hài hoà, giữa màu xanh của dòng sông là sắc tím biếc của bông hoa. Cảnh gợi ra một không gian phóng khoáng nhưng lại đằm thắm dịu dàng, duyên dáng. Một màu tím dịu dàng đằm thắm của hoa được dòng sông thơ mộng của xứ Huế ngàn năm cổ kính làm nên thật  gợi cảm. Nghệ thuật dựng hình, pha màu qua các tính từ chỉ màu sắc “xanh, tím” kết hợp phép đảo cấu trúc của hai câu thơ đầu đã tạo nên nhịp thơ nhanh bất ngờ như để bắt kịp nhịp cảm xúc của lòng người. Bức tranh xứ Huế vào xuân lại cáng sinh động hơn bởi tiếng hót líu lo của “chim chiền chiện”. Âm thanh tiếng “chim chiền chiện” hót vang trời như mở thêm không gian, gợi cảm giác trong trẻo thật đáng yêu - một tín hiệu của mùa xuân bằng thanh sắc tự nhiên. Từ cảm thán “ơi” đặt ở đầu câu thơ thật gợi cảm. Nhà thơ cảm thấy lòng mình đang tràn ngập niềm vui, muốn giơ tay giữ lấy tất cả, đón nhận tất cả vẻ đẹp duyên dáng của mùa xuân. Tác giả lắng nghe bằng tai chưa đủ, nhà thơ còn nghe bằng cả trái tim, bằng sự liên tưởng độc đáo:

“Từng giọt long lanh rơi
   Tôi đưa tay tôi hứng”
Ở đây tác giả đã sử dụng nghệ thuật ví ngầm chuyển đổi cảm giác. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh được cảm nhân thành hình khối long lanh và ánh sáng, màu sắc được cảm nhân bằng thị giác “tôi đưa tay tôi hứng”. Sự chuyển đổi cảm giác thể hiện niềm say sưa ngây ngất của nhà thơ trước vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời lúc vào xuân. “ Giọt long lanh” có phải là giọt âm thanh ? Giọt sương mùa xuân ? Giọt mưa xuân hay là giọt nước mắt hạnh phúc ? Tất cả đều là biểu tượng cho vẻ đẹp thanh tú trong lành của mùa xuân thiên nhiên kết đọng lại.
            Tóm lại bức tranh xuân của Thanh Hải tươi đẹp tràn đầy sức sống thiên nhiên, đầy màu sắc của đất trời, hoa lá, chim muông, của lòng người. Đây là một bức tranh xuân đẹp, giản dị đơn sơ gần gũi quê hương xứ Huế.
Cô Phan Minh - Trường THCS Hai Bà Trưng 


Monday, March 10, 2014

Phân tích 2 câu cuối bài Sang Thu của Hữu Thỉnh

Hai câu thơ cuối đã để lại trong lòng người đọc hai hình ảnh “sấm” và “hàng cây đứng tuổi”. Đó là hình ảnh tả thực. “Sấm” không còn xuất hiện bất ngờ và “hàng cây” không còn dao động vì “sấm” nữa. “Sấm” và “hàng cây đứng tuổi” là hình ảnh ẩn dụ mang tính hàm súc của bài thơ. “Hàng cây đứng tuổi” là hàng cây lâu năm đã trải qua nhiều mưa nắng nên vững chãi theo thời gian, nó chỉ là một vật vô hồn nhưng đã được sắm những vang động của cuộc đời ngoại cảnh để thấy con người và “hàng cây” lúc sang thu đã trải qua bao nhiêu bão tố nên có nhiều kinh nghiệm và vững vàng.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                               

Phân tích hình ảnh "hàng tre" trong bài Viếng Lăng Bác của Viễn Phương

Hình ảnh ấn tượng đậm nét cảnh quang lăng Bác là “hàng tre”. Đó là hình ảnh hết sức quen thuộc của làng quê, của đất nước Việt Nam, đã trở thành một biểu tượng của sức sống bền bĩ kiên cường của dân tộc “bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”. Nghệ thuật nhân hóa “hàng tre” làm cho ta tự hào về dáng đứng con người Việt Nam luôn kiên cường, bất khuất trước khó khăn.

Phân tích hình ảnh "giọt long lanh" trong bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Chi tiết tạo hình, hình ảnh tượng trưng "Giọt long lanh" là giọt mưa xuân long lanh trong ánh sáng của trời xuân hay giọt âm thanh của tiếng “chim chiền chiện". Ở đây có sự chuyển đổi cảm giác. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (cảm nhận bằng thính giác) chuyển đổi thành từng giọt ấy (cảm nhận bằng thị giác) lại long lanh ánh sáng và màu sắc có thể cảm nhận bằng cả xúc giác “tôi đưa tay tôi hứng"