Thursday, March 13, 2014

Đề: Nêu cảm nhân về khổ thơ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.

Bài làm
            Một chút sắc lan toả khắp đất trời, một làn gió xuân đánh thức vạn vật, một khung cảnh xuân khơi gợi cảm xúc sáng tác của thi nhân. Và Thanh Hải trong những giây phút cuối đời đã vì vẻ đẹp của mùa xuân làm cho xúc động. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được tác giả sáng tác trong thời khắc đó, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời. Ở “Mùa xuân nho nhỏ” người đọc tìm thấy một tình yêu thiên nhiên, đất trời mãnh liệt luôn dâng trào trong trái tim tác giả.  Ngay khổ thơ đầu của bài đã toát lên được điều đó:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
            Mở đầu tác giả miêu tả cảnh thiên nhiên mùa xuân quê mình thật đẹp, thật nên thơ . Đây là bức tranh phong cảnh hữu tình được vẽ nên bằng cái thần của mùa xuân, bằng tâm hồn người nghệ sĩ với những nét chấm phá thật tuyệt vời. Nét chấm phá đầu tiên ấy là: “dòng sông xanh; hoa tím biếc”. Màu sắc thật hài hoà, giữa màu xanh của dòng sông là sắc tím biếc của bông hoa. Cảnh gợi ra một không gian phóng khoáng nhưng lại đằm thắm dịu dàng, duyên dáng. Một màu tím dịu dàng đằm thắm của hoa được dòng sông thơ mộng của xứ Huế ngàn năm cổ kính làm nên thật  gợi cảm. Nghệ thuật dựng hình, pha màu qua các tính từ chỉ màu sắc “xanh, tím” kết hợp phép đảo cấu trúc của hai câu thơ đầu đã tạo nên nhịp thơ nhanh bất ngờ như để bắt kịp nhịp cảm xúc của lòng người. Bức tranh xứ Huế vào xuân lại cáng sinh động hơn bởi tiếng hót líu lo của “chim chiền chiện”. Âm thanh tiếng “chim chiền chiện” hót vang trời như mở thêm không gian, gợi cảm giác trong trẻo thật đáng yêu - một tín hiệu của mùa xuân bằng thanh sắc tự nhiên. Từ cảm thán “ơi” đặt ở đầu câu thơ thật gợi cảm. Nhà thơ cảm thấy lòng mình đang tràn ngập niềm vui, muốn giơ tay giữ lấy tất cả, đón nhận tất cả vẻ đẹp duyên dáng của mùa xuân. Tác giả lắng nghe bằng tai chưa đủ, nhà thơ còn nghe bằng cả trái tim, bằng sự liên tưởng độc đáo:

“Từng giọt long lanh rơi
   Tôi đưa tay tôi hứng”
Ở đây tác giả đã sử dụng nghệ thuật ví ngầm chuyển đổi cảm giác. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh được cảm nhân thành hình khối long lanh và ánh sáng, màu sắc được cảm nhân bằng thị giác “tôi đưa tay tôi hứng”. Sự chuyển đổi cảm giác thể hiện niềm say sưa ngây ngất của nhà thơ trước vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời lúc vào xuân. “ Giọt long lanh” có phải là giọt âm thanh ? Giọt sương mùa xuân ? Giọt mưa xuân hay là giọt nước mắt hạnh phúc ? Tất cả đều là biểu tượng cho vẻ đẹp thanh tú trong lành của mùa xuân thiên nhiên kết đọng lại.
            Tóm lại bức tranh xuân của Thanh Hải tươi đẹp tràn đầy sức sống thiên nhiên, đầy màu sắc của đất trời, hoa lá, chim muông, của lòng người. Đây là một bức tranh xuân đẹp, giản dị đơn sơ gần gũi quê hương xứ Huế.
Cô Phan Minh - Trường THCS Hai Bà Trưng 


No comments:

Post a Comment