Sunday, March 2, 2014

Đề: Suy nghĩ về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân.

Bài làm
            Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn, tác phẩm “Làng” của ông là một trong những tác phẩm thành công nhất khi viết về đề tài người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà tiêu biểu nhất là nhân vật ông Hai -  nhân vật chính của truyện. Ông Hai là người nông dân có lòng yêu làng, yêu nước, có tinh thần tham gia kháng chiến. Nhân vật ấy đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc.
            Ông Hai là một nông dân chấp pháp hiền lành. Ông rất yêu làng Chợ Dầu và luôn khoe với mọi người về ngôi làng đáng tự hào của mình. Vào cuộc kháng chiến chống Pháp, theo chủ trương của kháng chiến ông phải rời làng tản cư lên đất Thắng. Khi xa quê, ông Hai nhớ làng da diết. Nghe tin làng Chợ Dầu theo Tây làm Việt gian ông bàng hoàng sững sờ đau khổ tủi nhục… Ông tâm sự với đứa con nhỏ để vơi nhẹ nỗi lòng, Khi được tin cải chính, ông vui mừng phấn khởi thấy như mình được minh oan. Ông đem tin đó khoe với mọi người, khoe cả việc Tây đốt nhà ông một cách hồ hỡi, phấn khởi.
Cũng như bao nhiêu người nông dân khác, ong Hai là người yêu làng quê tha thiết mãnh liệt. Mọi niềm vui nỗi buồn của ông đều gắn chặt với làng Chợ Dầu. Biểu hiện cụ thể cho tình yêu ấy của ông thật đặc biệt: đó là thói khoe làng, kể về làng với tâm trạng “say mê và náo nức” lạ thường. Trước Cách Mạng Tháng Tám, với tâm lí nông dân mang tính địa phương đi đâu ông cũng khoe cái làng Chợ Dầu của mình, cái gì cũng đẹp hơn người: ”Nhà ngói san sát sầm uất như tỉnh, đường toàn lát bằng đá xanh…”. Đặc biệt ông còn khoe cái “sinh phần” của viên tổng đốc làng mình. Sau cách mạng được học lớp Bình dân học vụ, nhận thức của ông có sự thay đổi, ông biết căm thù vì đó là tàng tích của phong kiến, vì phục dịch xây nó mà ông và người làng ông phải khổ. Giờ đây tự hào về làng, ông tự hào về phong trào cách mạng, tinh thần kháng chiến sôi nổi của làng: “các cụ già râu tóc bạc phơ cũng vác gậy tập quân sự; anh em du kích đào hào đắp ụ, xẻ hào, khuâng đá chuẩn bị kháng chiến…” Trong mắt ông cái gì ở làng cũng đẹp cũng quí. Làng ông là nhất, không nơi đâu sánh bằng. Ông luôn hãnh diện và tự hào về điều đó. Yêu mến làng thật sự nên ông thật sự không muốn đi tản cư bởi làng đã trở thành máu thịt trong ông, không thể rời xa, không thể dứt bỏ. Bất đắc dĩ phải đi tản cư khiến ông “ít nói, ít cười hay cáu gắt”. Ông thường nhớ về làng, nhớ đến cồn cào da diết: “Chao ôi ! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá”. Mỗi khi nhớ về kỉ niệm cũ hồi ở làng lòng ông lại náo nức hẳn lên: “Ồ sao mà độ ấy vui thế”. Như vậy tình cảm yêu nhớ của ông đã có sự chuyển biến về nhận thức. Niềm vui của ông gắn liền với làng, cái riêng hòa trong cái ta chung. Yêu làng không chỉ bằng lời nói suông mà bằng những hành động cụ thể. Ông nhận thức mình không chỉ là người nông dân, một phụ lão mà còn là một chiến sĩ gắn bó với phong trào kháng chiến của dân tộc. Tình yêu làng của ông Hai hòa nhập thống nhất với tình yêu nước và tinh thần kháng chiến được bộc lộ rõ trong tình huống ông trực tiếp nghe tin làng theo giặc. Bản thân ông luôn tự hào làng mình là làng kháng chiến có tinh thần quả cảm và bất khuất. Tác giả xây dựng lên một tình huống giàu kịch tính: đặt ông Hai vào cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt và qua cuộc đấu tranh ấy tình cảm với làng với nước của ông Hai cứ bộc lộ thật tự nhiên. Đó là khi ông nghe tin là Chợ Dầu theo giặc. Thoạt đầu vì không tin đó là sự thật nên ông “quay phắt lại lấp bấp hơi”. Nhưng khi được khẳng định thì ông vô cùng đau đớn, tâm trí rối bời tinh thần suy sụp: “cổ họng lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng đến như không thở được”. Ông xấu hổ “đứng lãng ra chỗ khác” rồi tìm cách chạy trốn khỏi đám người tản cư. Cái cách ông lão đi mới thật tội nghiệp làm sao, nếu lúc trước “đi nghênh ngang hai tay vung vẩy, gặp ai cũng níu lại cười cười nói nói thì giờ đây “cúi gầm mặt xuống” không dám nhìn ai, để không ai nhận ra mình bởi ông cảm thấy ê chề nhục nhã vô cùng. Về đến nhà… nằm vật ra giường… nước mắt ông lão cứ giàn ra. Đó là những giọt nước mắt căm hờn đau khổ tủi nhục của con người sắt son chung thủy với cách mạng. Ông đã nguyền rủa những ai có tư tưởng bán nước, hạ mình: “chúng bây ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Một không khí nặng nề bao trùm lên gia đình ông, ông “cau có, gắt gỏng với vợ, không thiết gì đến ăn uống nghỉ ngơi, suốt đêm trằn trọc không ngủ”. Việc làng theo Tây đã trở thành nỗi ám ảnh, biến thành sự sợ hãi và nỗi đau xót tủi thẹn làm ông không dám đi đâu, không dám nhìn mặt ai: “suốt ngày ông cứ ở trong cái gian nhà chạt chội ấy mà nghe ngóng binh tình, một đám đông túm lại, dăm bảy tiếng cười nói cũng làm ông chột da,… cứ loáng thoáng nghe tiếng Tây, Việt gian, cam nhong là ông lủi ra một góc nhà, nín thít. Thôi lại chuyện ấy rồi”. Phải có tình yêu tha thiết mãnh liệt với làng quê với đất nuocws ông mới mang tâm trạng ray rứt tủi nhục đến thế. Và càng khổ sở khi bị mụ chủ nhà xua đuổi. Ông rời vào tình cảnh bế tắc tuyệt vọng và lúc bế tắc ấy ông đã nghĩ đến phương án “hay là quay về làng”. Tình cảm yêu làng và yêu nước dẫn đến cuộc xung đột nội tâm của ông Hai. Sự xung đột mâu thuẩn ấy đòi hỏi phải giải quyết và ông đã dứt khoát lựa chọn theo cách của mình “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Rõ ràng yêu làng nhưng không hề mù quáng, nói ra những điều như thế lòng ông vẫn xót xa lắm bởi tình cảm với làng đâu dẽ gì dứt bỏ nhất là một người nặng tình nghĩa với làng như ông. Từ đó mới thấy tình cảm của ông đối với đất nước với cách mạng thật sâu sắc. Dứt khoát chọn con đường không về làng, ông Hai đã đặt tình yêu nước cao hơn tình yêu làng que. Tình yêu ấy thật lớn lao thật đáng trân trọng. Thật tội nghiệp và cảm động khi ông phải tâm sự với đứa con nhỏ như để tự an ủi tự khẳng định lòng mình: tình yêu làng Chợ Dầu rất sâu nặng, ông muốn con mình ghi nhớ nên hỏi con:
-          … Thế nhà con ở đâu ?
-          Nhà ta ở làng Chợ Dầu
-          … Thế con ủng hộ ai ?
Thằng bé giơ hai tay lên mạnh bạo rành rọt:
-          Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm !
…Ông nói thủ thỉ:
-          Ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ !
Tấm lòng của ông là như vậy, tình yêu làng của ông không bao giờ thay đổi nhưng lúc này phải đặt sự thủy chung với kháng chiến với cách mạng với cụ Hồ lên trên hết.  Vì đó là tình cảm thiêng liêng ý nghĩa nhất. Hơn nữa đất nước có được độc lập tự do thì làng Chợ Dầu của ông mới được yên bình. Khi nghe tin cải chính về làng nỗi âu lo buồn tủi của ông tan biến, thay vào đó “guong mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên”. Ông hào phóng mua quà chia cho các con như để ăn mừng. Ông lại tiếp tục khoe với mọi người “Tây nó đốt nhà tôi rồi. Đốt nhẵn”. Điều ông khoe nghe chừng như phi lí nhưng lại rất có lí vì việc giặc đốt nhà ông, đốt làng ông là minh chứng hùng hồn cho việc làng ông không theo giặc. Niềm vui này thể hiện một cách đau xót, cảm động, tình yêu làng yêu nước của ông chính là tình cảm chung của nhân dân ta thời bấy giờ. Vì Tổ quốc họ sẵn sàng hy sinh tất cả kể cả tính mạng của mình.
Với truyện ngắn “Làng”, Kim Lân đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lí nhân vật, đặt nhân vật trong tình huống gay gắt, đấu tranh nội tâm căng thẳng để bộc lộ tính cách nhân vật. Cốt truyện được xây dựng theo trình tự thời gian và tâm lí. Ngôn ngữ kể chuyện linh hoạt tự nhiên đặc biệt là khẩu ngữ của tầng lớp nông dân Bắc Bộ được nhà văn sử dụng tài tình làm cho nhân vật hiện lên càng sinh động.

Tóm lại, Kim Lân đã tỏ ra am hiểu sâu sắc tâm lí, tính cách người nông dân trong kháng chiến nên đã xây dựng được một hình tượng đẹp sinh động đã thể hiện chủ đề yêu làng yêu nước. Qua nhân vật ông Hai, tình cảm quê hương vừa mang nét riêng tư vừa mang nét chung của người dân tản cư lúc bấy giờ: yêu làng trở thành một nỗi say mê hãnh diện. Nhưng khi dân tộc tiến hành kháng chiến thì tình yêu làng hòa trong tình yêu nước, thống nhất với tinh thần kháng chiến. Tình yêu làng là cơ sở của tình yêu nước. Đây vốn là một vẻ đẹp trong tâm hồn người Việt Nam nói chung. Chính vẻ đẹp đó đã tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Kim Lân đã trân trọng kháng chiến. Đọc tác phẩm, qua nhân vật chính chúng ta càng khâm phục, tự hào trước tinh thần kháng chiến của ông cha ta trong quá trình dựng nước và giữ nước.

No comments:

Post a Comment